Chính trịXây dựng Đảng

Bài dự thi giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Ðảng

Chính sách dân tộc - Xuyên suốt sự nhân văn (2)

09:03 - Thứ Sáu, 13/10/2023 Lượt xem: 2764 In bài viết

Bài 2: Chọn lọc để phát triển

ĐBP - Người dân tộc thiểu số ở Điện Biên được hưởng nhiều chính sách từ Nhà nước, hiện nay là 3 Chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới; Giảm nghèo bền vững; Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, cùng một số chính sách đặc thù cho đồng bào dân tộc rất ít người (Si La, Cống). Rút kinh nghiệm qua từng giai đoạn triển khai, cấp ủy, chính quyền các cấp xác định: Cần nghiên cứu, chọn lọc, linh hoạt áp dụng, lồng ghép các chính sách để phù hợp với từng địa bàn, từng dân tộc, từng giai đoạn.

Bài 1: Chính sách mở lối về nẻo sáng

 “Nhà nước hỗ trợ thêm mì chính thì tốt”

Gần 10 năm trước, khi trao đổi về việc thực hiện và hiệu quả các chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, một cán bộ lãnh đạo huyện vùng cao Điện Biên Đông, đồng thời là đại biểu HĐND tỉnh, chia sẻ: “Các chính sách thể hiện sự quan tâm chăm lo xuyên suốt, cũng như tính ưu việt của chế độ. Tuy nhiên, với trên 120 nội dung lớn, nhỏ mà người dân tộc thiểu số được hưởng, phải khẳng định có những chính sách chưa phù hợp, còn mang tính cào bằng, dàn trải. Một số chính sách mang tính “cho không”, dân nhận theo kiểu “cho thì mình lấy thôi” rất dễ gây phản ứng phụ, vừa làm tăng tư tưởng phụ thuộc, ỷ lại của người dân vừa lãng phí nguồn lực”. Theo phân tích của cán bộ này, cần điều chỉnh các chính sách thành nguồn lực đầu tư cho cộng đồng vùng khó, đơn cử như thực hiện các thiết chế văn hóa, hạ tầng y tế… Chẳng phải đâu xa, trong một cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND tỉnh trên địa bàn huyện, một cử tri đã đứng lên phát biểu, kiến nghị, đại ý rằng: Người dân tộc thiểu số đã được hỗ trợ gạo, muối, bảo hiểm y tế, kinh phí cho con đi học, tiền điện, dầu hỏa, nước sinh hoạt. Nói chung là “từ đầu đến chân, từ trong ra ngoài”, giờ Nhà nước hỗ trợ… nốt mì chính nữa thì tốt! Khi nghe cử tri phát biểu như vậy, thú thật rằng, bản thân tôi cũng là người dân tộc thiểu số, thấu hiểu những khó khăn và cả những hạn chế của bà con nhưng lúc đó tôi rất bức xúc, xấu hổ. Trông chờ ỷ lại đến mức như thế thì thật khó chấp nhận!

Các chính sách dân tộc tiếp sức cho con em đồng bào các dân tộc tới trường.

Tương tự, các chính sách hỗ trợ người dân tộc thiểu số nghèo, vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh Điện Biên trước đây đã xuất hiện một số hạn chế và cả tiêu cực, sự thiếu trách nhiệm của một bộ phận đội ngũ thực hiện chính sách. Điển hình như việc gia súc thuộc chương trình hỗ trợ hộ nghèo “đi nhầm” vào nhà người thân cán bộ, máy móc nông nghiệp chạy điện được cấp cho địa bàn chưa có điện, hay giá con giống cao bằng giá xuất chuồng… Những hạn chế đó ảnh hưởng lớn đến hiệu quả của chính sách, gây thất thoát nguồn lực ngân sách, mất lòng tin của nhân dân. 

Nhờ các chính sách hỗ trợ mà đời sống đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao.

Cần giải pháp căn cơ

Hiện nay trong 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I (từ năm 2021 - 2025) đang có các nội dung trọng tâm hướng đến người dân tộc thiểu số, với 10 dự án, 3 tiểu dự án chăm lo toàn diện từ đời sống vật chất, tinh thần, tri thức, quyền phụ nữ, trẻ em… Theo đánh giá của UBND tỉnh Điện Biên, ước thực hiện Chương trình năm 2023 đã đạt được những kết quả nổi bật như: Hoàn thành phân bổ chi tiết 100% kế hoạch vốn đầu tư phát triển và 97,25% kế hoạch vốn sự nghiệp nguồn vốn ngân sách Trung ương giao; đồng thời huy động được hơn 11,1 tỷ đồng từ các nguồn vốn hợp pháp khác để triển khai Chương trình. Đã hoàn thành và vượt mức 7/28 chỉ tiêu chính của Chương trình đề ra trong giai đoạn 2021 - 2025. Công tác thông tin, tuyên truyền các nội dung của Chương trình tiếp tục được triển khai sâu rộng, thu hút sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội và cộng đồng. Nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cấp xã và nhân dân các dân tộc thiểu số về Chương trình được nâng lên.

Đời sống văn hóa tinh thần của người dân tộc thiểu số ngày một được nâng cao. Trong ảnh: Đội văn nghệ bản Pa Xa Lào, xã Pa Thơm, huyện Điện Biên luyện tập chuẩn bị cho Ngày hội Văn hóa các dân tộc.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện Chương trình gặp một số vướng mắc cơ bản như: Tiến độ triển khai các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần còn chậm; tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn còn thấp, đặc biệt là nguồn vốn sự nghiệp; trình độ năng lực của cán bộ cấp xã không đồng đều, hay thay đổi do quá trình luân chuyển khiến cán bộ mất nhiều thời gian cập nhật thông tin, làm quen công việc…

Ông Là Văn Thoan, Bí thư Đảng ủy xã Rạng Đông, huyện Tuần Giáo cho biết: Chính sách đến với người dân nhưng để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, cấp ủy, chính quyền xã luôn phải trăn trở lựa chọn, tìm lối đi phù hợp với các điều kiện thực tế như: Khí hậu, thổ nhưỡng, tích tụ đất đai; tập quán, trình độ canh tác của người dân. Trồng cây gì, nuôi con gì sao cho hiệu quả lâu dài, từ nhỏ thành lớn, từ 1 thành 2, 3… Chứ giờ mà cứ “cho là nhận” thì chỉ làm chậm lại quá trình giảm nghèo, cản trở sự vươn lên bền vững của nhân dân, sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương thôi! Trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền cơ sở là lựa chọn, tìm ra những giải pháp phù hợp nhất với địa bàn để mang lại hiệu quả bền vững!

Người dân bản Ham Xoong 1, xã Vàng Đán, huyện Nậm Pồ thu hoạch mận.

Đồng quan điểm với người đồng cấp xã Rạng Đông, nhưng theo Bí thư Đảng ủy xã Tỏa Tình (huyện Tuần Giáo) Lê Ngọc Sơn, thì cùng với việc lựa chọn, tìm giải pháp căn cơ để chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số đi vào thực chất, hiệu quả bền vững, còn một yếu tố nữa là “thẳng thắn nhìn nhận vấn đề, không chạy theo thành tích”. Lý giải về điều này, ông Sơn cho biết: Cùng triển khai với Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn có Chương trình Xây dựng nông thôn mới và Chương trình Giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, có một số mâu thuẫn trong việc triển khai, nhất là giữa thực hiện các tiêu chí nông thôn mới với triển khai chính sách. Đơn cử, các tiêu chí về giảm hộ nghèo, xóa nhà tạm dột nát nếu cứ đẩy mạnh thực hiện mục tiêu, hàng năm địa phương giảm cả chục phần trăm để đạt thành tích thì sẽ tạo ra tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Bởi nhìn vào số lượng hộ nghèo cần làm nhà theo Đề án Vận động hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (gần như tuyệt đối là người dân tộc thiểu số) chúng ta sẽ thấy ngay sự mâu thuẫn khi “đạt tiêu chí nhà ở rồi mà sao giờ còn nhiều nhà dột nát thế?!”.

Bài 3: Để chính sách “thấm” vào đời sống

Lãm Chi Quyên
Bình luận

Tin khác

Back To Top